Tiếp tục triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động
Năm 2017, Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không ở bốn Cục Hải quan: TP Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả cho thấy, đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh cảng biển, cảng hàng không, kho, bãi, được bảo đảm thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi; được cơ quan hải quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dưới dạng điện tử về dự kiến hàng đến kho, bãi, cảng, hàng hóa được cơ quan hải quan cấp phép thông quan.
Đối với DN xuất, nhập khẩu, khi nhận hàng tại khu vực kho, bãi, cảng, họ không phải xuất trình chứng từ giấy để cơ quan hải quan kiểm tra, xác nhận như trước đây. DN có thể kiểm tra được trạng thái hàng hóa (thông qua in-tơ-nét), không cần di chuyển giữa bộ phận giám sát hải quan và DN cảng, điều này góp phần giảm thời gian lấy hàng ra khỏi cảng. Theo tính toán của Cục Hải quan TP Hải Phòng, trước đây chỉ riêng thời gian trung bình để cán bộ hải quan xác nhận cho một tờ khai khoảng hai phút; tính trung bình một ngày có 7.592 tờ khai hải quan qua cảng Hải Phòng, như vậy, tổng thời gian hàng hóa qua khu vực giám sát giảm đối với 7.592 tờ khai/ngày là 253 giờ. Khi thực hiện theo quy trình cũ, DN cần in và xuất trình cho bộ phận giám sát hải quan và DN cảng văn bản danh sách công-ten-nơ và hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát, trong khi quy trình mới không cần việc này. Năm 2017, cả nước có khoảng 4,79 triệu công-ten-nơ nhập khẩu được khai hải quan, nếu một trang A4 thể hiện được 10 công-ten-nơ, thì tổng số lượng trang cần sử dụng để in là 479 nghìn trang giấy.
Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết: Hệ thống mới này giúp quy trình quản lý, giám sát hàng hóa được thực hiện xuyên suốt thông qua phương thức điện tử, cụ thể: Cơ quan hải quan quản lý được toàn bộ quá trình từ khi hàng hóa được khai báo điện tử, đưa vào cũng như đến khi ra khỏi khu vực giám sát hải quan và vận chuyển về các địa điểm giám sát khác. Kịp thời nắm bắt các diễn biến, thông tin thay đổi nguyên trạng bao bì đóng gói hàng hóa, vị trí lưu giữ hàng hóa, theo dõi hàng tồn, hỗ trợ công tác quản lý rủi ro, kiểm soát chống buôn lậu, giám sát hải quan; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện trách nhiệm của các DN cảng... Các công đoạn sử dụng văn bản giấy trước đây nay được thực hiện hoàn toàn qua Hệ thống.
Trước khi triển khai Hệ thống, cơ quan hải quan nhận thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa trực tiếp từ hãng tàu hoặc qua Cơ chế một cửa quốc gia và của DN cảng, dẫn đến không thống nhất trong quá trình đối chiếu, kiểm tra thông tin. Hiện nay, qua Hệ thống, cơ quan hải quan và DN cảng sử dụng thống nhất nguồn thông tin này, giúp kiểm soát được sự sai lệch giữa thực tế hàng hóa xếp dỡ với thông tin hãng tàu khai báo; chủ động đánh giá rủi ro và phối hợp kịp thời trong công tác kiểm tra soi chiếu. Bên cạnh đó, thông tin trên bản khai hàng hóa tiếp nhận từ Cơ chế một cửa quốc gia là nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ liên kết, đối chiếu thông tin, kiểm soát hàng hóa từ khâu đầu đến khâu cuối.
Trên cơ sở kết quả đạt được, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu hết quý III-2018, tiếp tục triển khai hệ thống tại bốn Cục Hải quan nói trên và triển khai mở rộng tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng. Đồng chí Lê Đức Thành cho biết, mục tiêu đề ra là tiếp tục rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục cho người khai hải quan; tăng cường công tác quản lý của cơ quan hải quan trong việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan, nâng cao tính tuân thủ của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng, chống buôn lậu và bảo đảm an ninh quốc gia, hỗ trợ công tác kiểm tra, đối chiếu và đánh giá rủi ro, giám sát và kiểm soát hải quan.
VĨNH KHANG